Giá than nhiệt của Australia, chỉ số chuẩn cho giá than tại châu Á, đang giao động quanh mức 100 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021, khi khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga-Ukraine chưa xảy ra. Diễn biến này do mùa Đông không lạnh và dư cung toàn cầu. Tuy nhiên, dự báo giá thấp này có thể không kéo dài do đầu tư vào sản xuất than mới giảm mạnh khi các cổ đông và ngân hàng tránh xa việc tài trợ cho các dự án mới.
Nhu cầu năng lượng vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt ở Ấn Độ và Trung Quốc, vượt xa tốc độ phát triển của điện Mặt Trời và điện gió. Các quốc gia phát triển cũng đang quay lại sử dụng than để hỗ trợ các lĩnh vực AI đang phát triển mạnh. Điều này cho thấy triển vọng phục hồi mạnh mẽ cho thị trường than quốc tế, gây áp lực kinh tế cho các nước mới nổi và có thể biến than thành nguồn lợi nhuận lâu dài, đe dọa các mục tiêu khí hậu.
Xu hướng này, cùng với lượng đầu tư hạn chế, báo hiệu một thị trường thắt chặt hơn trong trung và dài hạn. Các ngân hàng đã cắt giảm tài trợ cho than đá vì lý do đạo đức và lo ngại tài trợ cho các tài sản có thể không đủ sinh lời. Ngay cả giá cao sau xung đột Ukraine-Nga cũng không khuyến khích đầu tư vào dự án mới. Theo ông Steve Hulton từ Rystad Energy, các công ty chọn mua lại công suất hiện có hơn là đầu tư mới.
Các dự án mới trên toàn cầu dự kiến cung cấp khoảng 1,8 tỷ tấn than nhiệt mỗi năm, phần lớn từ Trung Quốc và Ấn Độ. Nhà phân tích Rory Simington từ Wood Mackenzie Ltd. nhận định, tình trạng thiếu hụt có thể làm suy giảm cầu ở các thị trường nhạy cảm về giá, tuy nhiên, kết quả này chưa chắc chắn.
Dù nguồn cung hạn chế, nhu cầu vẫn tăng nhờ điện khí hóa phương tiện và tăng trưởng công nghiệp. Năng lượng xanh chưa đủ làm giảm nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch. Dự kiến, nhu cầu than của Ấn Độ sẽ đạt 1,5 tỷ tấn vào tháng 3/2030, tăng trung bình 3% mỗi năm.
Sự phát triển của công nghệ AI và điện toán đám mây khiến nhiều công ty điện lực phải dựa vào than để duy trì lưới điện. Mỹ và Nhật Bản kéo dài hoạt động của các nhà máy nhiệt điện, trong khi Đức duy trì các nhà máy ngừng hoạt động.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nâng dự báo nhu cầu than trong bốn báo cáo gần đây nhất. IEA dự kiến nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 1% đến năm 2027. Với Trung Quốc, dự báo nhu cầu than sẽ tăng 1,3% đến năm 2027, điều chỉnh kỳ vọng trước đó về đỉnh nhu cầu vào năm 2023.