tradingkey.logo

Lý do Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy kinh tế khu vực tư nhân

Investing.com21 Th02 2025 13:23

Investing.com -- Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức cuộc gặp với giới doanh nhân tại Bắc Kinh vào năm 2018, không có sự góp mặt của những tên tuổi lớn trong ngành công nghệ. Tuy nhiên, bảy năm sau, cả danh sách và vị trí ngồi đã có sự thay đổi.

Vào thứ Hai 17/2 vừa qua, ông Tập triệu tập một "đội ngũ tiên phong" từ khu vực tư nhân, bao gồm các nhà sáng lập của các công ty như BYD, Huawei, Alibaba, Tencent, Xiaomi và startup AI DeepSeek.

Tại Đại lễ đường Nhân dân, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi và Chủ tịch BYD Vương Truyền Phúc ngồi đối diện ông Tập. Jack Ma (Alibaba) và Pony Ma (Tencent), hai doanh nhân từng là trung tâm của chiến dịch kiểm soát khu vực tư nhân, cũng có mặt ở hàng đầu. Nhà sáng lập Meituan, Vương Hưng, ngồi ở hàng thứ hai.

Các nhà phân tích cho rằng danh sách và vị trí ngồi của các doanh nhân trong cuộc gặp này cho thấy sự ưu tiên của ông Tập đối với khu vực tư nhân, đặc biệt trong bối cảnh đã có nhiều thay đổi so với năm 2018, khi Trung Quốc còn duy trì mức tăng trưởng cao, bất động sản phát triển mạnh và quan hệ với Mỹ chưa căng thẳng như hiện tại.

Hiện nay, Trung Quốc cần thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân để giải quyết nhiều vấn đề lớn, từ phát triển công nghệ, bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng đến phục hồi nền kinh tế trong nước, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và cạnh tranh với Mỹ.

Đầu tiên là việc tự chủ công nghệ. Trong các cuộc gặp trước, Tencent và Baidu cũng tham gia nhưng không ngồi ở hàng đầu. Đặc biệt, sự xuất hiện của Jack Ma, người gần như biến mất sau khi IPO của Ant Group bị hoãn vào năm 2020, được coi là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang khôi phục vai trò của các doanh nghiệp công nghệ tư nhân.

Một nhân vật đáng chú ý khác là Lương Văn Phong, nhà sáng lập DeepSeek, công ty AI mới ra mắt mô hình AI gây chú ý toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng việc mời các tập đoàn công nghệ lớn tham gia cuộc gặp phản ánh chiến lược ưu tiên của chính quyền đối với lĩnh vực công nghệ.

Paul Triolo, chuyên gia chính sách công nghệ tại DGA-Albright Stonebridge Group, cho biết các doanh nhân này đại diện cho công nghệ tiên tiến mà Trung Quốc muốn thúc đẩy để tạo ra tăng trưởng kinh tế mới.

Theo Alfredo Montufar-Helu, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc của The Conference Board, dù Trung Quốc vẫn ưu tiên kinh tế nhà nước, nhưng những động thái này cho thấy sự công nhận tầm quan trọng của khu vực tư nhân trong các mục tiêu chiến lược, đặc biệt là trong việc xây dựng khả năng tự chủ công nghệ.

Thứ hai là củng cố nền kinh tế nội địa. Nigel Green, Nhà sáng lập kiêm CEO deVere Group, chỉ ra rằng trong nhiều thập kỷ qua, mô hình kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào các khoản đầu tư nhà nước và phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, chiến lược này dẫn đến nợ công tăng cao và năng lực sản xuất dư thừa, gây ra các vấn đề cơ cấu nghiêm trọng.

Việc giải phóng tiềm năng khu vực tư nhân sẽ tạo động lực phát triển bền vững thông qua cạnh tranh, hiệu quả và đổi mới. Các doanh nghiệp tư nhân đóng góp hơn 60% GDP, 70% đổi mới công nghệ và 80% việc làm thành thị.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khu vực tư nhân đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ các quy định quản lý nghiêm ngặt, dẫn đến tăng trưởng chậm và hạn chế đầu tư. Điều này đã làm gia tăng thất nghiệp thanh niên và gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Theo giáo sư Xiaoyan Zhang từ Đại học Thanh Hoa, mục đích cuộc họp là gửi thông điệp công nhận vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy đổi mới và tiêu dùng.

Thứ ba là khôi phục niềm tin nhà đầu tư và duy trì dòng vốn. Những can thiệp chính sách trong các lĩnh vực như công nghệ, giáo dục và bất động sản đã làm giảm niềm tin của nhà đầu tư, khiến dòng vốn chuyển sang nơi khác. Vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm mạnh, và các công ty Trung Quốc cũng chuyển vốn ra ngoài nước.

Để khôi phục niềm tin, Trung Quốc cần thực thi các chính sách minh bạch hơn và cắt giảm rào cản hành chính, đảm bảo rằng doanh nghiệp tư nhân không phải đối mặt với những thay đổi chính sách đột ngột.

Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các doanh nhân tin tưởng vào mô hình và thị trường Trung Quốc, đồng thời cam kết đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng. Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc dự kiến sẽ thảo luận và thông qua Dự luật thúc đẩy kinh tế tư nhân vào cuối tháng 2, nhằm tạo ra môi trường pháp lý bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp tư nhân.

Theo Zhou Maohua từ Ngân hàng China Everbright, những nỗ lực hỗ trợ khu vực tư nhân sẽ giúp tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và minh bạch, từ đó thúc đẩy đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đạt được những đột phá công nghệ.

Giáo sư Zhu Tian của Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc - châu Âu tại Thượng Hải nhận định rằng cuộc họp này và dự luật mới sẽ có tác động tích cực đến niềm tin của khu vực tư nhân, nhưng để phục hồi nền kinh tế, Trung Quốc cần các chính sách tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ hơn để thoát khỏi tình trạng giảm phát hiện nay.

Duyệt bởiTony
Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Nội dung của bài viết này chỉ đại diện cho quan điểm cá nhân của tác giả và không phản ánh lập trường chính thức của Tradingkey. Không nên coi đây là lời khuyên đầu tư. Bài viết này chỉ nhằm mục đích tham khảo, và độc giả không nên đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư nào chỉ dựa trên nội dung của nó. Tradingkey không chịu trách nhiệm về bất kỳ kết quả giao dịch nào do tin tưởng vào bài viết này. Hơn nữa, Tradingkey không thể đảm bảo tính chính xác của nội dung bài viết. Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư nào, nên tham khảo ý kiến của một cố vấn tài chính độc lập để hiểu rõ các rủi ro liên quan.

Bài viết đề xuất