- Suy thoái kinh tế không phải là một quá trình có thể điều chỉnh dễ dàng như bật/tắt công tắc, và hiện tại, Fed có đủ thời gian để ngăn chặn một "hạ cánh cứng" cho kinh tế Mỹ.
- Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp và thị trường chứng khoán có dấu hiệu suy giảm, song các chỉ số kinh tế quan trọng vẫn đang cho thấy sự tích cực.
- Việc Fed điều chỉnh lãi suất và các yếu tố tài chính khác sẽ quyết định liệu kinh tế Mỹ có rơi vào suy thoái hay không.
Suy thoái kinh tế không phải là một công tắc có thể bật-tắt tuỳ ý, và hiện tại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn có đủ thời gian để giúp nền kinh tế Mỹ né tránh một đợt "hạ cánh cứng". Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đang tăng lên, thị trường chứng khoán giảm điểm và lợi suất trái phiếu thấp hơn nhiều so với lãi suất ngắn hạn, song các dấu hiệu này chưa đủ để khẳng định kinh tế Mỹ đang rơi vào suy thoái.
Gần đây, hai sự kiện đã thúc đẩy cuộc thảo luận về khả năng suy thoái kinh tế. Đầu tiên là đợt bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán, không phải do dữ liệu kinh tế Mỹ mà là quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào tuần trước. Thứ hai là tỷ lệ thất nghiệp tháng 7 của Mỹ tăng lên 4,3% từ mức 4,1% của tháng 6 và 3,4% vào năm ngoái.
Theo Wall Street Journal, mặc dù rủi ro đang gia tăng, thực tế là kinh tế Mỹ vẫn chưa có nguy cơ rơi vào suy thoái. Suy thoái kinh tế là một quá trình phức tạp, thường kích hoạt bởi các điều kiện tài chính thắt chặt như lãi suất cao, khủng hoảng tín dụng hoặc cú sốc giá dầu, và không thể điều chỉnh dễ dàng như bật-tắt công tắc.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên là một chỉ báo quan trọng, nhưng không phải là dấu hiệu duy nhất để xác định suy thoái. Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) sử dụng ba chỉ số chính để xác định suy thoái: số liệu việc làm phi nông nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp và thu nhập thực tế đã điều chỉnh theo lạm phát. Nếu ba yếu tố này giảm trong bốn tháng liên tiếp, suy thoái có thể diễn ra như đã xảy ra vào các năm 1990, 2001 và 2008.
Trong bốn tháng tính đến tháng 7, số liệu việc làm đều ghi nhận mức tăng. Trong ba tháng tính đến tháng 6, thu nhập thực tế và hoạt động sản xuất công nghiệp cũng khởi sắc. Điều này cho thấy nếu có suy thoái, đó sẽ là một cuộc suy thoái bất thường. Nhà kinh tế học Claudia Sahm, người phát triển chỉ báo Sahm Rule, cũng cho rằng kinh tế Mỹ không suy thoái.
Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế thường được điều chỉnh gần các cuộc suy thoái, và có thể yếu hơn so với ban đầu. Quan trọng hơn, thị trường lao động đã hạ nhiệt để trở lại mức cân bằng "lành mạnh". Nếu các yếu tố đằng sau sự hạ nhiệt này vẫn tồn tại, tăng trưởng chậm có thể chuyển thành suy giảm quy mô lớn.
Một trong những yếu tố quan trọng là độ trễ của việc Fed điều chỉnh lãi suất. Liệu điều này có khiến Mỹ lún sâu hơn vào suy thoái hay không phụ thuộc vào diễn biến thị trường chứng khoán. Mức sụt giảm 8,4% của S&P 500 so với mức đỉnh vẫn không lớn và đã phần nào hồi phục vào phiên 6/8. Suy thoái thường xảy ra trước đà lao dốc của thị trường chứng khoán, nhưng không phải đợt sụt giảm nào cũng dẫn đến suy thoái.
Đôi khi, việc nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy quá lớn buộc phải bán tháo cổ phiếu vì những lý do không liên quan đến nền kinh tế. Động thái tăng lãi suất của BOJ đã khiến đồng yên mạnh lên, buộc các nhà đầu tư phải bán ra với giá thấp. Việc giảm đòn bẩy có dẫn đến suy thoái hay không còn phụ thuộc vào hệ thống tài chính.
Cho đến nay, hệ thống tài chính không có dấu hiệu rạn nứt lớn. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ không biến động lớn, và tài sản này thường giảm mạnh nếu nhà đầu tư đổ xô đến "hầm trú ẩn".
Tuy nhiên, sự suy yếu của thị trường chứng khoán có thể báo hiệu về việc sụt giảm lợi nhuận và doanh thu của doanh nghiệp trong thời gian tới. Theo FactSet, các nhà phân tích đã hạ ước tính lợi nhuận doanh nghiệp tháng trước ở mức trung bình.
Thị trường chứng khoán giảm điểm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chi tiêu của hộ gia đình. Các doanh nghiệp có thể sa thải thêm nhân sự, dẫn đến chu kỳ tác động ngược trở lại với giá cổ phiếu và các điều kiện tài chính khác.
Fed có thể rút ngắn chu kỳ này bằng cách hạ lãi suất, giúp hồi phục nhu cầu với nhà ở, ô tô và các giao dịch mua bán chịu ảnh hưởng bởi lãi suất. Điều này cũng thúc đẩy đầu tư kinh doanh và giúp thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu dài hạn đang giao dịch thấp hơn lãi suất ngắn hạn do động thái của Fed, và tình trạng đường cong lợi suất đảo ngược như vậy thường xảy ra trước các cuộc suy thoái.
Thị trường đang kỳ vọng rằng để đối phó với rủi ro suy thoái, Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhanh chóng và mạnh tay. Tuy nhiên, Fed đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ chỉ làm như vậy nếu lạm phát vẫn được kiểm soát trong vài tháng tới.
Nếu lạm phát vẫn cao, xu hướng này có thể không kéo dài do mức tăng lương chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và giá dầu giảm. Nhưng nếu Fed không tin tưởng vào dự báo này, họ có thể trì hoãn và chấp nhận một cuộc suy thoái.