Investing.com -- Việt Nam vừa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 lên ít nhất 8% và đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Mặc dù có cơ sở vững chắc để đạt được những mục tiêu này, nhưng vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt, đặc biệt là các rủi ro liên quan đến chính sách thuế quan, theo các chuyên gia của UOB.
Mới đây, Quốc hội Việt Nam đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 lên ít nhất 8% và đề ra mục tiêu tăng trưởng hai con số cho giai đoạn 2026-2030, trong khi dự báo chính thức vẫn duy trì ở mức 6,5 - 7%. Các chuyên gia từ Ngân hàng UOB (Singapore) nhận định: "Việc đạt mức tăng trưởng cao 8% hoặc thậm chí hai con số là hoàn toàn có thể, như kinh nghiệm của Singapore và Trung Quốc, đặc biệt khi Việt Nam đã có động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 với mức tăng trưởng trên 7%".
Mặc dù mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam là có thể đạt được, nhưng theo ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu tại Ngân hàng UOB, việc duy trì mức tăng trưởng trên 7% và đạt 8% hoặc cao hơn vào năm 2025 sẽ là một thử thách đối với Việt Nam, do những rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ có thể tác động đến một trong những động lực tăng trưởng quan trọng là thương mại quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam đang rất phụ thuộc vào thương mại, với tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 90% GDP, đứng thứ hai trong ASEAN sau Singapore (174%) và vượt qua Malaysia (69%). Đặc biệt, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Mặt khác, tăng trưởng GDP mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2024 chủ yếu nhờ vào thương mại, khi xuất khẩu tăng 14% sau sự suy giảm trong năm 2023. Thêm vào đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt mức kỷ lục mới với 25,4 tỷ USD (so với 23,2 tỷ USD năm 2023). Tuy nhiên, chu kỳ bán dẫn đang có dấu hiệu suy giảm sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh vào năm 2024.
Chuyên gia từ UOB cảnh báo rằng vào năm 2025, Việt Nam sẽ đối mặt với rủi ro từ các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump. Cụ thể:
Về tác động trực tiếp, nếu Tổng thống Trump áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam do thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, điều này sẽ ảnh hưởng rộng rãi đến cả ngành sản xuất và dịch vụ, dẫn đến giảm chi tiêu trong nước.
Về tác động gián tiếp, nếu nhu cầu xuất khẩu giảm do nền kinh tế chậm lại, điều này sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Ngoài ra, Giám đốc Khối Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế Toàn cầu tại Ngân hàng UOB cho rằng sự suy giảm trong chu kỳ bán dẫn cũng sẽ ảnh hưởng đến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm trong hai tháng liên tiếp (tháng 12/2024 và tháng 1/2025), cho thấy đơn hàng có thể đang chậm lại và các nhà sản xuất đang thu hẹp hoạt động.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI có thể chịu tác động từ chính sách thuế quan, khi các doanh nghiệp cân nhắc chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan từ Mỹ.
Theo ông Suan Teck Kin, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP mới, Chính phủ Việt Nam cần tập trung vào một số lĩnh vực nhằm nâng cao cơ hội đạt mức tăng trưởng 8% hoặc thậm chí hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng cần phải ổn định để tránh tình trạng "quá nóng" và lãng phí nguồn lực.
“Một trong những giải pháp quan trọng là tăng mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng và giảm tác động từ sự suy giảm trong xuất khẩu và sản xuất. Hiện tại, Việt Nam vẫn thiếu hụt đáng kể về hạ tầng”, chuyên gia từ UOB khuyến nghị.
Dữ liệu từ IMF cho thấy tỷ lệ chi tiêu cho hình thành vốn của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 41% của Trung Quốc.
Ngoài ra, chính sách tài khóa của Việt Nam hiện tại quá thận trọng, khi Chính phủ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ công/GDP từ 35% hiện tại xuống còn 31% vào năm 2029. “Để tăng cường đầu tư công, có thể cần phải chấp nhận tăng vay nợ và sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn”, ông Suan Teck Kin nhận định.
Một vấn đề quan trọng khác mà ông Suan Teck Kin lưu ý là tốc độ giải ngân và triển khai đầu tư công. Dù ngân sách đã được phân bổ cho các dự án hạ tầng, nhưng cần đẩy nhanh quá trình triển khai để vừa tạo động lực tăng trưởng ngắn hạn trong khi đầu tư được thực hiện, vừa nâng cao năng suất dài hạn khi các dự án hoàn thành.
“Điểm sáng là Quốc hội Việt Nam mới đây đã thông qua dự án đường sắt trị giá 8 tỷ USD kết nối Trung Quốc - Việt Nam, sắp hoàn thành mở rộng đường cao tốc Bắc-Nam và tăng ngân sách cho Bộ Giao thông Vận tải”, ông Suan Teck Kin nhận xét.
Thêm vào đó, Việt Nam vẫn cần tiếp tục đầu tư mạnh vào các lĩnh vực hạ tầng quan trọng khác, đặc biệt là AI/dữ liệu, năng lượng, nguồn nước, để hỗ trợ tăng trưởng bền vững trong tương lai.