tradingkey.logo

Doanh nghiệp Trung Quốc đối mặt loạt khủng hoảng từ Mỹ

Investing.com20 Th02 2025 13:12

Investing.com -- Quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 4/2 đang làm tình hình thừa công suất trở nên nghiêm trọng hơn tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các nhà sản xuất Trung Quốc, từ các công ty sản xuất thép cho đến ngành nội thất, tấm pin năng lượng mặt trời, đều đang phải đối mặt với tình trạng thua lỗ sau một thời gian dài gặp khó khăn trong việc cạnh tranh, do nhu cầu yếu và tình trạng dư thừa hàng hóa.

Theo một phân tích từ Nikkei Asia dựa trên dữ liệu của công ty Wind Information, tính đến quý 3/2024, hơn 23% các công ty niêm yết tại Trung Quốc ghi nhận lỗ, so với tỷ lệ 20% cùng kỳ năm 2023 và dưới 10% của năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng thuế quan bổ sung 10% và các chính sách thuế quan khác của ông Trump đối với hơn 400 tỷ USD hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ có thể khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc rơi vào khủng hoảng tài chính.

Bên cạnh đó, các biện pháp thuế quan cũng thúc đẩy quá trình chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Điều này càng gia tăng gánh nặng cho thị trường lao động yếu kém và nền kinh tế đang phải đối mặt với tình trạng giảm phát trầm trọng tại Trung Quốc.

“Chuyển dịch sản xuất sang quốc gia thứ ba có thể giúp các nhà sản xuất Trung Quốc tránh được tác động từ thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, điều này lại gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc khi mất đi công việc”, ông Chen Zhiwu, giáo sư tài chính tại Đại học Hồng Kông, nhận xét.

Trong thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc chưa thực hiện đủ các biện pháp cắt giảm sản lượng nội địa, vì mô hình tăng trưởng của quốc gia này quá phụ thuộc vào đầu tư trong nước. Tuy nhiên, với nhu cầu không đủ để tiêu thụ lượng hàng hóa khổng lồ, các nhà sản xuất phải giảm giá để duy trì khả năng cạnh tranh, cả trên thị trường nội địa và quốc tế. Điều này dẫn đến một "vòng luẩn quẩn", trong đó nhu cầu yếu và lợi nhuận giảm buộc các doanh nghiệp phải hạn chế đầu tư mới và sa thải nhân viên.

Vào tháng 11 năm ngoái, Hiệp hội Công nghiệp Nguồn điện Trung Quốc (CIAPS) đã kêu gọi các nhà sản xuất pin lithium trong nước hành động để tránh "cuộc cạnh tranh khốc liệt". Trong một nỗ lực hạn chế tình trạng dư thừa công suất, vào tháng 12 năm ngoái, Bắc Kinh yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời giảm sản lượng và tránh giảm giá quá mạnh để không gây tác động tiêu cực đến toàn ngành.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh cần hành động mạnh mẽ hơn và có các biện pháp kích thích tiêu dùng trong nước để thúc đẩy nền kinh tế.

“Do luôn có sự cạnh tranh từ đối thủ, rất khó để các doanh nghiệp cam kết giảm sản lượng hoặc hạn chế giảm giá”, ông Kelvin Lam, nhà kinh tế cấp cao tại công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics, nhận định. “Điều quan trọng là nhu cầu yếu”.

Trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu, các doanh nghiệp sản xuất tại Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, các rào cản thuế quan với hàng hóa Trung Quốc tại các thị trường khác đang ngày càng gia tăng.

Năm ngoái, Liên minh Châu Âu (EU) đã tăng thuế quan đối với ô tô điện từ Trung Quốc. Chính phủ Indonesia cũng đang lên kế hoạch áp thuế tối đa 200% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm dệt may và gốm sứ.

Tuần trước, Chính phủ Ấn Độ thông báo rằng họ đang xem xét việc áp thuế tạm thời từ 15-25% đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc do "những thách thức nghiêm trọng" mà thép giá rẻ từ Trung Quốc gây ra cho các doanh nghiệp trong nước.

Cũng trong tuần trước, ông Trump đã ký một sắc lệnh áp thuế 25% đối với tất cả nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ, có hiệu lực từ ngày 4/3. Động thái này được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành thép Trung Quốc, quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới. Mặc dù sản lượng thép đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm, dự báo sản lượng thép của Trung Quốc trong năm 2024 vẫn đạt hơn 1 tỷ tấn, tương đương tổng sản lượng của Mỹ, Nhật Bản và Đức cộng lại.

Tình hình dư thừa công suất kết hợp với việc tăng thuế quan đang khiến các nhà sản xuất thép tại Trung Quốc rơi vào khủng hoảng. Công ty Maanshan Iron&Steel, thuộc Tập đoàn Thép China Baowu Steel Group - nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, ước tính sẽ lỗ ròng 4,59 tỷ nhân dân tệ (629 triệu USD) trong năm 2024, gấp ba lần mức lỗ của năm trước.

Angang Steel, một nhà sản xuất thép lớn khác, cũng cho biết có thể sẽ lỗ ròng 7,1 tỷ nhân dân tệ trong năm ngoái, gấp đôi so với năm 2023.

Cùng với đó, các nhà sản xuất tấm wafer năng lượng mặt trời và tấm pin polysilicon của Trung Quốc đang phải đối mặt với thuế quan lên đến 60% từ Mỹ do các chính sách thương mại của chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden và Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.

Tongwei, một trong những nhà sản xuất tấm năng lượng mặt trời lớn nhất Trung Quốc, gần đây đã thông báo với cổ đông về khoản lỗ ước tính 7,5 tỷ nhân dân tệ trong năm qua do cuộc chiến giá cả.

Theo số liệu chính thức, lợi nhuận của các công ty sản xuất công nghiệp Trung Quốc trong năm 2024 giảm 3,3% so với năm trước, đánh dấu năm giảm thứ ba liên tiếp.

Duyệt bởiTony
Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Nội dung trên hoạt động như một sự trợ giúp cho chức năng của nền tảng của chúng tôi. Nó không cung cấp lời khuyên giao dịch và không nên là cơ sở của bất kỳ quyết định giao dịch nào được đưa ra.

Bài viết liên quan