Investing.com -- Thị trường điều chỉnh sâu gần đây có thể đã phản ánh hầu hết các 'rủi ro giả định' trong trung hạn.
- VN-Index phục hồi vượt mong đợi trong tuần qua, khi nhanh chóng lấy lại vùng cân bằng 1.250 điểm trong 2 tuần.
Thị trường vẫn tiếp tục đi lên trong kịch bản "nghi ngờ" thanh khoản thấp, đa số nhóm cổ phiếu cho thấy tín hiệu tạo đáy đã xong, tăng tốt cùng thị trường.
Một điểm đặc biệt trong tuần, là khối ngoại mua ròng 5 phiên liên tục. Đây là tuần mua ròng đầu tiên sau hơn 1 tháng bán rất mạnh. Đây cũng là dấu hiệu rõ ràng cho thấy rủi ro tỉ giá được cởi bỏ sẽ kích thích khối ngoại quay trở lại thị trường, giúp cung - cầu thị trường cân bằng hơn.
Chúng tôi kỳ vọng quá trình cơ cấu của dòng vốn đầu tư gián tiếp đã gần chấm dứt trong năm nay (cuối năm 2024), khối ngoại sẽ giảm mức độ bán ròng, cơ hội thu hút các dòng tiền đầu tư mới.
Về yếu tố định giá thị trường, VN-Index đang giao dịch xung quanh vùng định giá P/E 13 - 13,2 (giá thị trường trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu).
Với tốc độ tăng trưởng EPS (lợi nhuận sau thuế của công ty phân bổ trên một cổ phiếu thông thường) trung bình đạt ổn định 15-17%/năm, vùng P/E forward 2025 (giá ước tính trên thu nhập trong tương lai) dự kiến 11,3 - 11,5 lần. Đây là vùng định giá thấp trong xuyên suốt giai đoạn dài hơn 10 năm qua 2015 - 2024.
Chúng ta đưa ra hai kịch bản tuần mới này. Đối với kịch bản cơ sở, FIDT cho rằng thị trường điều chỉnh sâu gần đây đã phản ánh hầu hết các "rủi ro giả định" trong trung hạn.
Khi đó, bất cứ sự đảo chiều đáng kể nào của các biến số chính trên toàn cầu như chỉ số USD (giảm quyết liệt về vùng dưới 105), lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm (giảm quyết liệt về vùng dưới 4,2%) đều tạo cơ hội giúp VN-Index tạo đáy thành công, đảo chiều xu hướng điều chỉnh trung hạn.
Còn với kịch bản tiêu cực, trong trường hợp tài chính toàn cầu tiếp tục phản ánh biến số chính sách "Donald Trump" tiêu cực hơn, với chỉ số USD tăng cao lên vùng lịch sử tiệm cận 110, sẽ tạo áp lực tỉ giá và áp lực bán từ khối ngoại dự kiến sẽ rất mạnh. Trong kịch bản tiêu cực, yếu tố rủi ro thị trường rất lớn, vùng đáy của VN-Index sẽ rất khó đoán.
Nhìn chung, điều kiện cần vẫn là các rủi ro liên quan chỉ số đồng USD và rủi ro tỉ giá trong nước phát tín hiệu hạ nhiệt.
- Thị trường tiếp tục nới rộng nhịp hồi phục và phủ nhận tín hiệu hạ nhiệt trong phiên cuối tuần trước. Tín hiệu này đang giúp thị trường cân bằng trước vùng 1.250 - 1.265 điểm, vùng tranh chấp trong quá khứ.
Dự kiến thị trường sẽ tiến sâu vào vùng này để kiểm tra cung cầu. Có khả năng nguồn cung sẽ gia tăng trở lại và gây áp lực cho thị trường trong vùng này.
Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá trạng thái thị trường. Hiện tại, nhà đầu tư có thể khai thác cơ hội ngắn hạn tại một số cổ phiếu có diễn biến dần khởi sắc từ vùng hỗ trợ.
Tuy nhiên, vẫn cần quản trị danh mục hợp lý, tránh rơi vào trạng thái quá mua, có thể cân nhắc diễn biến hồi phục để chốt lời ngắn hạn.
- Bước sang tháng 12, kỳ vọng xu hướng chung của thị trường vẫn là phục hồi khi các yếu tố rủi ro như tỉ giá, căng thẳng thanh khoản ngắn hạn dần hạ nhiệt.
Fed có thể sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành trong cuộc họp tháng 12 tới và nguồn cung USD trong nước cải thiện đáng kể dịp cuối năm.
Thông thường, các doanh nghiệp xuất khẩu có xu hướng bán lại ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại vào dịp cuối năm để phục vụ mua sắm hàng hóa trong nước, trả lương thưởng cho người lao động…
Điều này cùng với giải ngân vốn FDI duy trì xu hướng tích cực cùng lượng kiều hối chảy về nước dịp cuối năm sẽ giúp hạ nhiệt áp lực tỉ giá. Ngân hàng Nhà nước có thể chuyển hướng sang các mục tiêu khác là hỗ trợ thanh khoản hệ thống và tăng trưởng tín dụng nhằm tiến tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng tham vọng trong năm nay là 15%.
Nếu tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu và dòng tiền chảy vào nền kinh tế thực chất sẽ là cú huých lớn cho thị trường chứng khoán trong giai đoạn tháng 12 và đầu năm tới.