tradingkey.logo

Nền kinh tế khu vực Đông Nam Á dưới thời Trump 2.0

organization

Investing

22 Th11 2024 12:41

Investing.com -- Khu vực Đông Nam Á có thể dễ bị tổn thương trước nguy cơ áp thuế toàn cầu từ Tổng thống đắc cử Donald Trump và một cuộc chiến thương mại mới với Trung Quốc.

Năm trong số sáu nền kinh tế lớn nhất của khu vực Đông Nam Á hiện có thặng dư thương mại với Mỹ. Trung lập về mặt địa chính trị, khu vực đã chứng kiến ​​sự gia tăng trong hoạt động thương mại với cả Trung Quốc và Mỹ trong giai đoạn 2017-2020 trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump.

Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Thái Lan đã giành chiến thắng lớn khi các công ty từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ di dời khỏi Trung Quốc hoặc di chuyển sang các cơ sở sản xuất ở Đông Nam Á để tránh thuế quan của Mỹ.

Mặc dù xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, nhưng khu vực có thể gặt hái được những phần thưởng từ việc chuyển hướng và thay thế thương mại và thậm chí có thể có lập trường cứng rắn hơn đối với các hoạt động chống cạnh tranh của các công ty Trung Quốc.

Nguy cơ áp thuế cao từ chính quyền ông Trump trong nhiệm kỳ mới?

Mục tiêu của chính sách thương mại được ông Trump tuyên bố trong chiến dịch tranh cử là đưa các công việc sản xuất trở lại Mỹ và giảm bớt chuỗi cung ứng của nước này khỏi Trung Quốc. Chính quyền ông Trump cho rằng lợi thế thương mại của Trung Quốc là có được một cách không công bằng từ thao túng tiền tệ, đánh cắp sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ không trên cơ sở tự nguyện.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền Tổng thống Trump đã sử dụng quyền hành pháp để áp thuế lên tới 25% đối với 250 tỷ USD hàng điện tử, máy móc và hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc. Sau đó Trung Quốc cũng sử dụng các biện pháp tương tự đối với hàng xuất khẩu nông sản, ô tô và công nghệ của Mỹ.

Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Trump đã đề xuất mức thuế 60% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ và mức thuế lên tới 20% đối với hàng nhập khẩu từ mọi nơi khác. Điều đó sẽ được thực hiện bằng sự kết hợp giữa các công cụ hành pháp và lập pháp.

Điều này có thể tệ đến mức nào đối với Đông Nam Á?

Theo Oxford Economics, xét về tỷ lệ tổng kim ngạch xuất khẩu, Campuchia là quốc gia chịu rủi ro lớn nhất trong khu vực vì có tới gần 40% hàng xuất khẩu của Campuchia là sang Mỹ, tiếp theo là Việt Nam với 27,4% và Thái Lan với 17%.

Thanavath Phonvichai, chủ tịch Chủ tịch Đại học Phòng Thương mại Thái Lan (UTCC) cho biết, nền kinh tế Thái Lan có thể chịu thiệt hại 160,5 tỷ baht (4,6 tỷ USD) nếu ông Trump thực hiện cam kết áp thuế được đưa ra trong chiến dịch tranh cử.

Việt Nam có thặng dư thương mại lớn thứ tư thế giới với Mỹ. Nhưng nếu Mỹ tiếp tục phân loại Việt Nam là "nền kinh tế phi thị trường", điều này có xu hướng dẫn đến mức thuế quan cao hơn.

Sự không chắc chắn về thuế quan của chính quyền ông Trump có thể khiến các công ty tạm dừng hoặc ngừng các kế hoạch đầu tư vào Đông Nam Á. Theo Hội đồng Phát triển Kinh tế của Singapore, các công ty Mỹ chiếm khoảng một nửa trong số 9,5 tỷ USD đầu tư tài sản cố định tại nước này vào năm ngoái. 

Do đó, bất kỳ đòn giáng nào vào nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ lan sang các nước trong khu vực Đông Nam Á có sự phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng, xuất khẩu và du lịch của Trung Quốc. Nhu cầu yếu hơn đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các nhà cung cấp đầu vào cho các nhà sản xuất Trung Quốc tại Đông Nam Á. Là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất do 24,2% hàng hoá của nước này xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đông Nam Á có lợi thế gì?

Sự bùng nổ sản xuất hiện tại của Đông Nam Á bắt đầu do chiến tranh thương mại. Các nhà phân tích dự đoán rằng sự thay thế và chuyển hướng thương mại sẽ tác động đến tăng trưởng lớn hơn theo thời gian.

"Chúng tôi cho rằng một sự phản kháng mạnh mẽ hơn nữa đối với Trung Quốc có thể thúc đẩy sự chuyển hướng chuỗi cung ứng nhiều hơn, với các doanh nghiệp Trung Quốc giao dịch và đầu tư nhiều hơn trong phạm vi châu Á", Jayden Vantarakis, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực Đông Nam Á tại Macquarie Capital cho biết.

Các nhà máy sản xuất xe điện mà một số chính phủ Đông Nam Á tích cực thu hút đầu tư có thể tạo ra vùng đệm kinh tế. "Nhu cầu về xe điện cũng đang tăng lên bên ngoài Mỹ, vì vậy tôi nghĩ rằng thực sự có thể có lợi ích ròng cho Indonesia. Điều sẽ xảy ra là các quốc gia nhỏ hơn đang cố gắng trở nên trung hòa carbon, đặc biệt là khi giá xăng ngày càng đắt đỏ, do đó sẽ cố gắng tiếp quản nguồn cung và mua nhiều xe điện hơn", Sumit Agarwal, giáo sư tại Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore cho biết.

Các mức thuế mà ông Trump hứa hẹn có thể cung cấp cho các chính phủ Đông Nam Á động lực để áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc, như Thái Lan đã làm với thép cán trong năm nay. Các quy tắc xuất xứ chặt chẽ hơn của Mỹ cũng có thể tạo cơ hội cho các chính phủ đảm bảo rằng nhiều bộ phận có giá trị cao hơn được sản xuất và lắp ráp tại địa phương.

Điều gì sẽ xảy ra với tiền tệ và thị trường Đông Nam Á?

Các mức thuế của chính quyền ông Trump có thể làm giảm áp lực buộc các ngân hàng trung ương của khu vực phải thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.

"Về cơ bản, chiến thắng của ông Trump gây ra lạm phát cho toàn thế giới do các mức thuế quan mà ông đã lên kế hoạch, vì vậy chu kỳ bình thường hóa tiền tệ toàn cầu hoặc nới lỏng có thể sẽ không mạnh như dự kiến ​​trước đây", Miguel Chanco, nhà kinh tế trưởng về nền kinh tế mới nổi châu Á tại Pantheon Macroeconomics cho biết.

Theo đó, tiền tệ của khu vực sẽ không mạnh lên như dự kiến ​​trước đây, một phần là do thị trường định giá lại tốc độ nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và do đó đồng đô la tiếp tục mạnh lên.

Trong số sáu nền kinh tế lớn của Đông Nam Á, đồng baht Thái Lan và đồng ringgit Malaysia là những đồng tiền diễn biến tiêu cực nhất kể từ chiến thắng của ông Trump, với mức giảm lần lượt là 3,2% và 2,9% so với đồng đô la tính đến ngày 20/11.

Các nền kinh tế Đông Nam Á nên chuẩn bị như thế nào?

Các chính phủ trong khu vực đã thực hiện các biện pháp để giảm sự phụ thuộc quá mức vào Mỹ hoặc Trung Quốc bằng cách tăng cường mối quan hệ với các quốc gia và khu vực khác, đồng thời nhấn mạnh tính trung lập của họ.

Trong đó, Philippines cho rằng các thỏa thuận thương mại với những quốc gia như Hàn Quốc là một vùng đệm chống lại các cú sốc từ Mỹ. "Chúng tôi muốn thấy nhiều hơn nữa các thỏa thuận song phương và đa phương như thế này, để chúng tôi có thể mở ra nhiều cơ hội hơn nữa", Bộ trưởng Cơ quan Kinh tế và Phát triển Quốc gia của Philippines, Arsenio Balisacan cho biết.

Ngoài ra, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã gợi ý rằng các chính phủ có thể làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ các công ty trong nước đầu tư vào Mỹ và các cơ sở sản xuất đa dạng khác, như Nhật Bản với chương trình "trợ cấp thoát khỏi Trung Quốc" vào năm 2020.

Theo Jaideep Singh, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Malaysia, các nền kinh tế Đông Nam Á cũng nên tập trung vào việc xây dựng khả năng phục hồi bằng cách tăng cường thương mại nội khối Đông Nam Á.

"Cần có những nỗ lực thúc đẩy hội nhập kinh tế thông qua việc cắt giảm các biện pháp phi thuế quan, cải thiện thuận lợi hóa thương mại và phối hợp tốt hơn các chuỗi giá trị khu vực", ông cho biết.

Theo Michael Kokalari, nhà kinh tế trưởng của VinaCapital, Việt Nam có thể "ghi điểm" với chính quyền ông Trump bằng cách mua động cơ máy bay hoặc khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ.

“Không có sự e ngại đáng kể nào từ người tiêu dùng Mỹ khi mua các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Ngược lại, Mỹ không thể đưa mọi thứ quay lại nước Mỹ, vì vậy Việt Nam có thể được xem là nơi hữu ích trong việc từ bỏ hàng hóa giá rẻ do Trung Quốc sản xuất cho Mỹ", ông cho biết.

Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Nội dung trên hoạt động như một sự trợ giúp cho chức năng của nền tảng của chúng tôi. Nó không cung cấp lời khuyên giao dịch và không nên là cơ sở của bất kỳ quyết định giao dịch nào được đưa ra.