tradingkey.logo

Thái Lan áp thuế chống bán phá giá với thép HRC Trung Quốc

Investing.com7 Th08 2024 02:16

Investing.com – Bộ Thương mại nước ngoài Thái Lan (DFT) đã công bố mức thuế chống bán phá giá 30.91% đối với thép cuộn cán nóng (HRC (HM:HRC)) có thêm hợp kim từ Trung Quốc, theo CafeF. Đây là sự mở rộng các biện pháp chống bán phá giá mà chính phủ Thái Lan đang áp dụng đối với thép cuộn cán nóng của Trung Quốc.

Trước đó, Bộ Thương mại nước ngoài Thái Lan đã mở một cuộc điều tra chống lẩn tránh đối với thép cuộn cán nóng hợp kim từ 17 nhà sản xuất ở Trung Quốc từ ngày 16/9/2023. Cơ quan này cũng đang điều tra liệu các sản phẩm thép nhập khẩu có lẩn tránh thuế chống bán phá giá hiện có bằng cách thêm hợp kim vào các sản phẩm thép cuộn cán nóng và nhập khẩu dưới các mã HS khác nhau hay không.

Mới đây, ngày 1/8, Bộ Thương mại nước ngoài Thái Lan đã đưa ra kết luận xác định các biện pháp chống bán phá giá 30.91% cũng sẽ được áp dụng đối với thép cuộn cán nóng hợp kim từ Trung Quốc như một "biện pháp mở rộng". Các mức thuế chống bán phá giá sẽ được truy thu từ tháng 9 năm ngoái trở đi và sẽ được rà soát vào khoảng tháng 7/2028, theo quan chức của DFT.

Các mức thuế mới nhất được áp dụng đối với thép cuộn cán nóng có thêm 0,03% titan từ Trung Quốc, một thương nhân Thái Lan cho biết. Các nhà xuất khẩu đã thêm titan vào thép cuộn cán nóng để lẩn tránh các mức thuế chống bán phá giá hiện có đối với thép cuộn cán nóng carbon không hợp kim và nhập khẩu thép cuộn cán nóng có thêm Bo.

Theo Hiệp hội sắt thép Đông Nam Á (SEAISI), sản lượng sản xuất thép cuộn cán nóng của Thái Lan năm 2022 đạt 2,3 triệu tấn, đáp ứng 40% tổng nhu cầu tiêu thụ (5,4 triệu tấn), còn lại phải nhập khẩu. Dù vậy, từ năm 2021, Thái Lan vẫn áp thuế chống bán phá giá với thép cuộn cán nóng không hợp kim nhập khẩu từ 18 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó mức thuế áp dụng với HRC Trung Quốc là 30,91% để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.

Ngoài thuế chống bán phá giá, Thái Lan còn áp dụng thuế tối huệ quốc (MFN) và một số hàng rào, tiêu chuẩn kỹ thuật khác để quản lý lượng thép cuộn cán nóng nhập khẩu và bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Áp lực từ hàng nhập khẩu giá rẻ

Tại Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, nhu cầu thép cán nóng trong nước ước tính khoảng 12 - 13 triệu tấn mỗi năm. Đây là nguyên liệu thượng nguồn sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác. Hiện Việt Nam có 2 doanh nghiệp là Hòa Phát (HM:HPG) và Formosa sản xuất thép HRC.

Tuy nhiên, sản lượng thép cuộn cán nóng quý II/2024 đã giảm 10% so với quý I/2024 đến từ những khó khăn trong tiêu thụ tại cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Lượng thép cuộn cán nóng nhập khẩu giá thấp tràn vào thị trường Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 tăng mạnh (6 triệu tấn, tăng gấp rưỡi cùng kỳ 2023 và vượt mức tăng trưởng toàn thị trường) gây nên sức ép lớn cho việc tiêu thụ thép cuộn cán nóng của Hòa Phát tại thị trường nội địa. Cùng với đó, giá sản phẩm thép HRC tại thị trường Việt Nam tuy có tăng lên trong tháng 2/2024 nhưng đã giảm liên tục từ tháng 3 đến hết quý II/2024.

Trước tình trạng gia tăng đột biến của thép nhập khẩu vào Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị Bộ Công Thương sớm tiến hành cuộc điều tra để làm rõ có hay không hành vi bán phá giá, biên độ phá giá và mức độ thiệt hại cho sản xuất trong nước. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định mức độ ảnh hưởng tới thị trường nhằm có biện pháp kịp thời bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Liên quan đến vụ việc này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để rà soát và nắm bắt tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng trong thời gian qua. Bộ Công Thương cần thực hiện các biện pháp phù hợp theo thẩm quyền, quy định pháp luật, nhằm bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất trong nước, tuân thủ thông lệ quốc tế và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Được biết, các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia đã áp dụng biện pháp phòng vệ với thép cán nóng Trung Quốc. Lượng sản xuất của Thái Lan, Indonesia chỉ đáp ứng lần lượt là 43% và 65% nhu cầu tiêu thụ mà từ năm 2019 hai quốc gia này đã có thuế chống bán phá giá bên cạnh thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) đang duy trì.

Trong khi đó, hiện nay năng lực sản xuất HRC của Việt Nam đã đáp ứng 70% nhu cầu tiêu thụ (8.5/12 triệu tấn) và hiện nay không có thuế nhập khẩu MFN và chưa có hàng rào thuế quan nào khác để bảo vệ sản xuất trong nước. Chính điều này đã khiến Việt Nam trở thành chỗ trũng cho hàng nhập khẩu.

Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Nội dung trên hoạt động như một sự trợ giúp cho chức năng của nền tảng của chúng tôi. Nó không cung cấp lời khuyên giao dịch và không nên là cơ sở của bất kỳ quyết định giao dịch nào được đưa ra.

Bài viết liên quan