tradingkey.logo

Giá năng lượng đắt đỏ gây áp lực cho nền kinh tế Đức

Investing.com17 Th01 2025 02:19

Investing.com -- Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức, hiện tại Đức là quốc gia có giá điện cao nhất ở châu Âu. Trong năm 2024, các hộ gia đình ở đây sẽ phải chi trả gần 0,4 euro cho mỗi kWh điện tiêu thụ.

Một trong những yếu tố gây sức ép lớn lên nền kinh tế Đức là giá năng lượng đắt đỏ. Chi phí năng lượng cao đang đè nặng lên các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng, và là vấn đề mà giới chức nước này cần giải quyết để vực dậy nền kinh tế.

Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức, Đức hiện là nước có giá điện cao bậc nhất tại châu Âu. Trong năm 2024, các hộ gia đình nước này phải trả gần 0,4 euro/1 kWh điện - cao gấp 4 lần so với Hungary hay Bulgaria. Giá điện dành cho doanh nghiệp rẻ hơn nhờ sự hỗ trợ của chính phủ, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với các đối thủ quốc tế, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế lớn nhất châu Âu. 

Nguyên nhân chính khiến giá điện tại Đức vẫn ở mức cao, là do sự thiếu cân bằng trong cơ cấu năng lượng. Điện tái tạo, vốn chiếm 59% nguồn cung điện tại Đức, nhưng lại thiếu ổn định, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Trong những ngày mùa đông u ám, không có đủ nắng và gió, Đức buộc phải phụ thuộc vào các nhà máy điện than và khí đốt, hoặc nhập khẩu điện từ các nước lân cận, khiến chi phí tăng cao.

Ông Jan Rosenow - Phó chủ tịch Dự án Hỗ trợ Quản lý (RAP) cho biết: "Đức không có nhiều sản lượng nhiên liệu hóa thạch trong nước và vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Sản lượng điện tái tạo đã tăng lên, nhưng chưa thể tạo ra được sự đột phá lớn, bởi trong nhiều lĩnh vực, các công nghệ mà Đức đang sử dụng vẫn phụ thuộc vào việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Thị phần điện tái tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải là rất nhỏ, dưới 5%. Các lĩnh vực xây dựng hay công nghiệp cũng vậy". 

Các chuyên gia khuyến nghị rằng Đức cần tiếp tục đầu tư vào lưới điện và các cơ sở lưu trữ năng lượng để giảm thiểu sự bất ổn trong việc cung cấp năng lượng tái tạo. Đồng thời, một số đảng phái chính trị ở Đức đã bắt đầu cân nhắc khả năng tái khởi động sử dụng điện hạt nhân, nhằm đảm bảo cả mục tiêu an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc này sẽ đối mặt với không ít khó khăn.

"Với các nhà máy điện hạt nhân mới, đặc biệt là các nhà máy lớn, việc xây dựng sẽ mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, ngay cả khi chính phủ mới của Đức được thành lập sau cuộc bầu cử sắp tới, cam kết khởi động lại điện hạt nhân, chúng ta sẽ phải đợi đến giữa hoặc cuối thập niên 2030, để chứng kiến nhà máy đầu tiên thực sự hoạt động và cung cấp điện", ông Jan Rosenow - Phó chủ tịch Dự án Hỗ trợ Quản lý (RAP) cho hay. 

Giá điện cao được dự báo sẽ tiếp tục là một thách thức lớn đối với nền kinh tế Đức trong năm 2025. Chính phủ Đức sẽ cần thực hiện những điều chỉnh quan trọng trong chiến lược năng lượng để đạt được sự cân bằng giữa mục tiêu phát triển bền vững và duy trì khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Nội dung trên hoạt động như một sự trợ giúp cho chức năng của nền tảng của chúng tôi. Nó không cung cấp lời khuyên giao dịch và không nên là cơ sở của bất kỳ quyết định giao dịch nào được đưa ra.

Bài viết liên quan