tradingkey.logo

Nhóm ngành nào sẽ hưởng lợi khi USD tăng giá?

Investing.com16 Th01 2025 09:31

Investing.com --Tỷ giá VND/USD tăng cao có thể mang lại lợi thế cho các ngành xuất khẩu như thủy sản, hóa chất, dầu khí, nhựa, dệt may, gỗ và săm lốp.

Theo báo cáo gần đây của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), các biến động từ chính quyền "Trump 2.0" có thể sẽ tiếp tục đẩy giá trị đồng USD tăng lên.

Sau giai đoạn căng thẳng, đồng VNĐ đã dần phục hồi từ giữa tháng 9/2024, nhờ vào quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất 50 điểm cơ bản – lần cắt giảm lãi suất đầu tiên trong vòng 4 năm qua. Tuy nhiên, xu hướng phục hồi này không kéo dài, khi vào quý IV/2024, tỷ giá lại tăng mạnh, chủ yếu do sự gia tăng nhập khẩu của các doanh nghiệp để chuẩn bị cho mùa sản xuất cuối năm và nhu cầu USD từ Kho bạc Nhà nước để thanh toán các khoản nợ.

MBS Research dự đoán tỷ giá trong quý I/2025 sẽ dao động quanh mức 25.500 – 25.800 VND/USD. Các yếu tố như chính sách tài khóa nới lỏng của chính quyền mới, các quy định nhập cư thắt chặt, lãi suất cao của Mỹ so với các quốc gia khác, cùng với xu hướng bảo hộ thương mại sẽ tiếp tục hỗ trợ sự tăng giá của đồng USD trong năm 2025.

Theo các chuyên gia, tỷ giá VND/USD tăng cao đang tạo ra cơ hội cho nhiều nhóm ngành xuất khẩu, bao gồm thủy sản, hóa chất, dầu khí, nhựa, dệt may, gỗ, đá thạch anh nhân tạo và săm lốp.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, nhóm thủy sản sẽ được hưởng lợi lớn nhờ giá bán và giao dịch chủ yếu bằng USD. Tương tự, nhóm hóa chất cũng có triển vọng tích cực do phần lớn doanh thu đến từ xuất khẩu, trong khi tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu lại thấp. Ngành dầu khí và nhựa cũng được đánh giá khả quan trong bối cảnh này.

Đối với ngành dệt may, dù thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, nhưng phần lớn nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu theo chỉ định của khách hàng, khiến tác động từ việc tăng tỷ giá đến kết quả kinh doanh không đáng kể.

Ngành đá thạch anh nhân tạo và săm lốp có khả năng hưởng lợi nhờ doanh thu xuất khẩu vượt trội so với chi phí nhập khẩu nguyên liệu hoặc vay ngoại tệ. Riêng ngành gỗ, với doanh thu lớn từ Mỹ và Châu Âu cùng khả năng tự chủ nguyên liệu trong nước, được kỳ vọng sẽ đạt lợi ích rõ rệt khi tỷ giá tăng cao.

Tuy nhiên, các nhóm ngành như phân bón và tiện ích lại gặp bất lợi từ áp lực tỷ giá. Đối với các doanh nghiệp như DPM và DCM, nguyên liệu đầu vào được định giá bằng USD trong khi doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng thấp, dẫn đến gia tăng chi phí. 

Tương tự, một số doanh nghiệp trong ngành tiện ích phải đối mặt với chi phí sản xuất điện tăng cao do giá khí đầu vào gắn với USD, làm giảm khả năng cạnh tranh.

Ngoài ra, nhóm phân tích của BSC Research đưa ra quan điểm trung lập đối với các ngành như sắt thép, gạo, công nghệ và một số cổ phiếu trong nhóm tiện ích (REE, PC1, GEG, BCG, BWE).

Riêng với FPT, BSC nhận định rằng mức tăng tỷ giá USD/VND có thể bù đắp cho mức giảm của tỷ giá JPY/VND. Bên cạnh đó, các khoản vay bằng USD của FPT được thanh toán trực tiếp từ doanh thu tại thị trường Mỹ, do đó ảnh hưởng từ tỷ giá lên kết quả kinh doanh của công ty không đáng kể.

Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Nội dung trên hoạt động như một sự trợ giúp cho chức năng của nền tảng của chúng tôi. Nó không cung cấp lời khuyên giao dịch và không nên là cơ sở của bất kỳ quyết định giao dịch nào được đưa ra.

Bài viết liên quan