tradingkey.logo

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng sẽ tăng vọt?

Investing.com8 Th01 2025 06:30

Investing.com -- Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đã hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024. Theo đó, các ngân hàng sẽ phải ghi nhận chi phí tín dụng cho các khoản nợ tái cơ cấu.

Tuy nhiên, tác động đến chất lượng tài sản của các ngân hàng khi Thông tư 02 hết hiệu lực sẽ có thể kiểm soát được trong năm 2025.

Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Công ty CP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), tình hình nợ có vấn đề được dự báo là không nghiêm trọng, nhờ vào việc tốc độ hình thành nợ xấu đã chậm lại khi dòng tiền của khách hàng cải thiện trong suốt năm 2024.

“Chúng tôi kỳ vọng khả năng trả nợ của người đi vay sẽ tiếp tục được tăng cường trong bối cảnh điều kiện kinh doanh và kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào những nỗ lực không ngừng của Chính phủ nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế” – các nhà phân tích nhận định.

Theo báo cáo của VIS Rating, tổng nợ có vấn đề của ngành ngân hàng (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ tái cơ cấu và trái phiếu VAMC) duy trì ổn định ở mức 6,9% trên tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống tính đến tháng 6/2024. So với giai đoạn 2022-2023, tỷ lệ này đã ổn định sau khi tăng mạnh 2,7 điểm % trong giai đoạn trước. 

Cùng với đó, tổng nợ gốc được cơ cấu lại toàn ngành giảm xuống còn 0,9% tổng tín dụng toàn ngành, từ mức 1,2% của cuối năm 2023.

Các chuyên gia VIS Rating nhận định trong 3 quý đầu năm 2024, tốc độ hình thành nợ quá hạn của các ngân hàng đã chậm lại, phản ánh sự cải thiện đáng kể trong dòng tiền của khách hàng.

“Hầu hết các ngân hàng đã bày tỏ sự tự tin rằng dòng tiền trả nợ của khách hàng sẽ tiếp tục phục hồi nhờ điều kiện hoạt động kinh doanh trong nước tốt hơn. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng quy mô các khoản nợ tái cơ cấu đã giảm đáng kể tại một số các ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng tư nhân” – VIS Rating cho biết.

Khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào cuối năm 2024, các ngân hàng sẽ phải ghi nhận toàn bộ chi phí tín dụng đối với các khoản nợ tái cơ cấu.

Tuy nhiên, theo phân tích của nhóm chuyên gia, tác động lên kết quả kinh doanh các ngân hàng sẽ được kiểm soát đối với các ngân hàng lớn, đặc biệt là những ngân hàng có quy mô nợ tái cơ cấu hạn chế.

Dù vậy, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu cao hơn có thể phải đối mặt với rủi ro tài sản lớn hơn, chủ yếu liên quan đến các khách hàng lớn và các khoản vay trong lĩnh vực bất động sản. Những ngân hàng này vẫn đang gặp phải một số khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường bất động sản đang đối mặt với các vấn đề pháp lý và nhu cầu thấp đối với một số dự án mới.

Bên cạnh đó, các ngân hàng này cũng phải đối mặt với chi phí tín dụng cao hơn trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng giữa các ngân hàng để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Một số ngân hàng nhỏ đã có kế hoạch giảm rủi ro cho vay để giải quyết vấn đề về chất lượng tài sản, điều này có thể tiếp tục tạo áp lực lên biên lãi ròng trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, nhóm chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho rằng, việc này không gây ảnh hưởng đáng kể lên bảng cân đối của các ngân hàng, sẽ không có sự gia tăng đột biến của tỷ lệ nợ xấu cũng như chi phí dự phòng. 

Theo BSC, dư nợ tái cơ cấu Thông tư 02 chiếm tỷ trọng thấp, cuối quý III/2024 là khoảng 1,6% dư nợ toàn hệ thống, trong đó chỉ có một số ngân hàng ghi nhận tỷ lệ này cao hơn mặt bằng chung như VPBank (HM:VPB) (2,5%), MSB (1,2%), TPBank (0,8%), còn lại đều nhỏ hơn 0,5%.

Tương tự, theo dự báo của Công ty chứng khoán ACBS cho biết mặc dù nợ xấu toàn ngành vẫn tăng nhẹ trong hai quý liên tiếp, song dường như đã tạo đỉnh và có thể cải thiện trong năm 2025.

Theo đó, tỷ lệ nợ chuyển quá hạn (bao gồm cả nợ được tái cơ cấu) có xu hướng giảm dần và ở mức 0,23% dư nợ trong quý III, thấp hơn trung bình lịch sử là khoảng 0,5%/quý.

Bên cạnh đó, nợ nhóm 2 giảm 0,08% trong quý III/2024 và duy trì xu hướng giảm hai quý liên tiếp nhờ sự phục hồi của nhóm khách hàng bán lẻ. Nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023 cũng có xu hướng giảm và chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 0,8%. 

Còn các nhà phân tích Chứng khoán TPBank (TPS), trong năm 2025, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể giảm xuống 1,8% được hỗ trợ bởi các biện pháp quản lý rủi ro chặt chẽ hơn và sự cải thiện trong chất lượng tài sản.

Tuy nhiên, chi phí tín dụng dự kiến sẽ tăng nhẹ do bộ đệm dự phòng hiện không còn dày. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức trong việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là các khoản vay liên quan đến bất động sản.

Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Nội dung trên hoạt động như một sự trợ giúp cho chức năng của nền tảng của chúng tôi. Nó không cung cấp lời khuyên giao dịch và không nên là cơ sở của bất kỳ quyết định giao dịch nào được đưa ra.