tradingkey.logo

Chứng khoán Việt Nam đạt mục tiêu 9 triệu tài khoản trước thời hạn

Investing.com7 Th01 2025 09:43

Investing.com -- Tính đến cuối năm 2024, thị trường chứng khoán có gần 9,3 triệu tài khoản, trong đó mở mới thêm 2 triệu tài khoản nhưng dòng tiền tham gia èo uột.

Theo thống kê của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam - VSD, trong tháng 12, chứng khoán ghi nhận gần 141.000 tài khoản mở mới. Số này góp phần đưa tổng lượng tài khoản trong thị trường lên sát 9,3 triệu. Nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm hơn 9,2 triệu tài khoản, tăng khoảng 140.500.

Lũy kế cả năm qua, số tài khoản chứng khoán đã tăng hơn 2 triệu, tức mỗi tháng bình quân có trên 166.000 tài khoản mở mới. Đây là năm có tốc độ tăng trưởng cao thứ nhì lịch sử thị trường, chỉ xếp sau 2022 - thời kỳ VN-Index trải qua xu hướng tăng giá (uptrend) mạnh mẽ với đỉnh hơn 1.528 điểm.

Như vậy, chứng khoán Việt Nam đạt mục tiêu 9 triệu tài khoản trước thời hạn 2025, thực tế đã vượt mức này từ cuối tháng 10. Theo đề án của Chính phủ, thị trường sẽ hướng tới 11 triệu tài khoản vào năm 2030, tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Tài khoản chứng khoán tăng thêm 2 triệu trong năm, nhưng dòng tiền tham gia thị trường lại èo uột, nhất là những tháng gần đây. Theo thống kê của Chứng khoán Rồng Việt (HM:VDS) (VDSC), giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên năm 2024 đạt hơn 18.500 tỷ đồng tính trên ba sàn HoSE, HNX và UPCoM, tăng 22% so với năm 2023. Riêng sàn HoSE ghi nhận hơn 16.400 tỷ đồng.

Trong khi nửa đầu năm, thanh khoản thường xuyên duy trì mức tỷ USD, có phiên lên tới 25.000 tỷ đồng, càng dần về cuối năm, dòng tiền càng hạ thấp. Thị trường TP HCM từ giữa tháng 10 đến nay, giá trị giao dịch mỗi phiên đều dưới 20.000 tỷ, nhiều lúc rơi về sát mốc 10.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên theo ông Phạm Hoàng Ân, Trưởng phòng Phân tích của Chứng khoán Thành Công (TCSC), thị trường Việt Nam đang có tỷ lệ tài khoản trên dân số khá thấp so với các quốc gia khác trong khu vực. Do đó về dài hạn, xu hướng gia nhập thị trường của nhà đầu tư cá nhân vẫn sẽ tiếp tục tăng.

Trong năm 2025, chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng được nâng hạng lên thị trường cận biên mới nổi theo FTSE. Điều này cũng góp phần cải thiện dòng vốn đổ vào thị trường trong nước. Theo tính toán của TCSC, nếu được nâng hạng lên thị trường cận biên mới nổi vào tháng 9, thị trường dự kiến đón nhận dòng vốn bị động từ 500 triệu đến khoảng 1 tỷ USD từ các quỹ ETF.

Báo cáo mới đây của Chứng khoán Vietcombank (HM:VCB) (VCBS) dự báo thanh khoản thị trường có thể đạt 29.500-30.500 tỷ đồng mỗi phiên cho cả 3 sàn trong năm nay. Mức tăng tập trung kể từ giữa quý II. Cơ sở cho dự báo trên đến từ kỳ vọng VN-Index đạt 1.555 điểm, vốn hóa toàn thị trường dự kiến tăng 20-25%, xu hướng rút ròng của khối ngoại có thể thấp hơn năm 2024, khả năng nâng hạng thị trường đến gần và việc chuyển sàn của những cổ phiếu vốn hóa lớn.

Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Nội dung trên hoạt động như một sự trợ giúp cho chức năng của nền tảng của chúng tôi. Nó không cung cấp lời khuyên giao dịch và không nên là cơ sở của bất kỳ quyết định giao dịch nào được đưa ra.

Bài viết liên quan