tradingkey.logo

Áp lực tỷ giá vẫn nằm trong biên độ cho phép của NHNN

Investing.com2 Th01 2025 08:40

Investing.com -- Tỷ giá vẫn tiếp tục chịu những áp lực tăng cho đến những ngày giao dịch cuối cùng của năm 2024. Các chuyên gia cho rằng trong năm 2025, bên cạnh áp lực, tỷ giá vẫn có những yếu tố tích cực hỗ trợ. Tỷ giá được dự báo sẽ tăng trong khoảng 3% trong năm 2025.

Trong báo cáo vĩ mô nhìn lại diễn biến thị trường tiền tệ năm 2024, các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC - VDS) cho biết tỷ giá USD/VND đã có một năm biến động tương đối mạnh. Theo VDSC, hệ số tương quan của chỉ số US Dollar Index (DXY) và tỷ giá USD/VND trong năm 2024 là 0,67, tăng nhẹ so với mức 0,63 trong năm 2023.

So với đầu năm, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm 1,9% lên mức 24.320 đồng/USD. Tỷ giá trên thị trường chính thức tăng khoảng 4,8%, đồng thời, tỷ giá trên thị trường tự do tăng 4,3%. “Như vậy, biến động tỷ giá vẫn nằm trong biên độ cho phép của NHNN”, VDSC đánh giá.

VDSC cho biết, để kiểm soát áp lực mất giá của tiền đồng, NHNN đã can thiệp bán ngoại tệ vào những giai đoạn tỷ giá trên thị trường chạm trần biên độ. Tính chung cả năm 2024, NHNN bán ra khoảng 9,4 tỷ USD.

VDSC ước tính dự trữ ngoại hối cuối năm 2024 khoảng 80 tỷ USD, tương đương 2,5 tháng nhập khẩu, thấp hơn mức được ghi nhận là 3,3 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2023. Ngoài việc bán ngoại tệ để kiểm soát đà mất giá của tiền đồng, NHNN cũng tiến hành can thiệp trên thị trường mở thông qua việc kiểm soát hành lang lãi suất.

Tính chung cả năm 2024, quy mô điều tiết thanh khoản trên thị trường mở của NHNN tương đối nhỏ, hút ròng khoảng 28 nghìn tỷ đồng, so với quy mô bơm ròng khoảng 66 nghìn tỷ đồng trong năm 2023.

Tỷ giá tăng, với các doanh nghiệp xuất khẩu được cho là tín hiệu thuận lợi, song nhập khẩu lại gặp khó khăn. Dù vậy, giới phân tích cho rằng nền kinh tế nước ta đang có mức thặng dư thương mại hàng hóa lớn (trong 11 tháng đầu năm 2024, cả nước xuất siêu hơn 24,3 tỷ USD) nên không đáng lo. 

Về dự báo năm 2025, trong báo cáo triển vọng mới công bố, Chứng khoán Vietcombank (HM:VCB) (VCBS) cho rằng vẫn có những áp lực nhất định lên tỷ giá trong năm 2025. Cụ thể, DXY có thể duy trì ở ngưỡng cao. Xu hướng chính của các ngân hàng trung ương trên thế giới là hạ lãi suất và kích thích tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, mức độ cắt giảm sẽ tùy thuộc vào bối cảnh từng quốc gia.

Trong khi đó, thị trường lao động và khu vực dịch vụ của Mỹ vẫn khá khả quan; theo đó, có thể Fed sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất hơn so với kỳ vọng, kéo theo sức mạnh USD cao hơn so với các đồng tiền khác. Ngoài ra, các xung đột địa chính trị kéo theo nhu cầu đầu tư vào các tài sản trú ẩn an toàn và USD có thể là tài sản được ưu tiên lựa chọn.

Mặc dù vậy, VCBS nhận định thị trường ngoại hối có thể ghi nhận những yếu tố tích cực. Trong đó, xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, dòng tiền vẫn tìm đến các quốc gia đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô như Việt Nam.

Đồng thời, kiều hối tiếp tục tiếp tục là điếm sáng của dòng vốn ngoại tệ trong năm 2025 khi liên tục duy trì trên ngưỡng 13 tỷ USD trong 3 năm trở lại đây. Đi kèm với đó, cán cân thương mại đạt sẽ tiếp tục dự báo thặng dư lớn trong bối cảnh các nền kinh tế lớn phục hồi.

Đặc biệt, trước áp lực tỷ giá, nhà quản lý với bộ máy nhân sự đã ổn định, có thể thực hiện những chính sách điều hành mạnh mẽ hơn nhằm hướng tới mục tiêu ổn định thị trường ngoại tệ, cũng như chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trong thời gian tới. VCBS dự báo VNĐ giảm giá tương đối so với đồng USD với mức biến động hợp lý khoảng 3% cho cả năm 2025.

Do đó, chuyên gia khuyến cáo, nhà điều hành cần theo dõi sát sao chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD để có giải pháp can thiệp kịp thời. Từ phía cơ quan quản lý, lãnh đạo NHNN cũng cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, trong trường hợp tỷ giá có biến động quá lớn sẽ kịp thời can thiệp bán ngoại tệ.

Duyệt bởiTony
Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Nội dung trên hoạt động như một sự trợ giúp cho chức năng của nền tảng của chúng tôi. Nó không cung cấp lời khuyên giao dịch và không nên là cơ sở của bất kỳ quyết định giao dịch nào được đưa ra.

Bài viết liên quan