Investing.com -- Nền kinh tế Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 7% cho năm 2024, vượt mọi dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế đưa ra.
Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ sức mạnh vượt trội khi đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
Tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt trên 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6-6,5% để thuộc nhóm ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Với mức tăng trưởng trên 7% năm nay, nền kinh tế Việt Nam đã "đánh bại" mọi dự báo từ các tổ chức tài chính quốc tế trước đó.
Đầu năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) lần lượt dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam ở mức 5,8% và 5,5%. Tuy nhiên, sau kết quả tăng trưởng tích cực mà nền kinh tế đạt được 3 quý đầu năm, cả 2 tổ chức tài chính quốc tế này đều đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,1%. Trong khi đó, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 ở mức 6% như nhận định đưa ra trong tháng 4.
Có góc nhìn tích cực hơn, nhưng nhiều tập đoàn tài chính quốc tế lớn cũng chỉ đưa dự báo tăng trưởng cả năm của nền kinh tế Việt Nam quanh mức 6%, bao gồm HSBC và UOB, trước khi nâng dự báo lên mức 6,5-6,6% sau những kết quả tích cực đạt được ở quý III và 9 tháng.
Với đà phục hồi mạnh mẽ từ các yếu tố nội tại và tác động từ các chính sách vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 7%, là mức cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á (cùng Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan).
Xuất khẩu tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024 cả nước ước đạt 782,33 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Cả nước ghi nhận xuất siêu ước đạt 23,53 tỷ USD. Các mặt hàng điện tử và máy móc thiết bị, vốn là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực, đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng tiếp tục tăng cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tính đến cuối tháng 11, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt gần 31,4 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài các yếu tố trên, sau khi đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng nội địa phục hồi mạnh mẽ. Người dân đã chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm và dịch vụ, đặc biệt là trong các ngành du lịch, giải trí và bán lẻ.
Sau kết quả ấn tượng năm 2024, các chuyên gia quốc tế và lãnh đạo Việt Nam đều lạc quan về khả năng duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới.
Dự báo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt quy mô 506 tỷ USD vào năm 2025, vươn lên đứng thứ 33 thế giới. HSBC cũng đánh giá cao triển vọng của Việt Nam, dự báo GDP năm 2025 sẽ tăng trưởng 6,5%, tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hàng đầu khu vực.
Hiện Quốc hội đã giao mục tiêu tăng trưởng cho Chính phủ năm 2025 khoảng 6,5-7%, phấn đấu đạt mức 7-7,5%.
Tuy nhiên, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết Nghị quyết số 18, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra chỉ tiêu đầy tham vọng với mức tăng trưởng GDP đạt trên 8% trong năm 2025, mở ra lộ trình cho giai đoạn bứt phá tăng trưởng mạnh mẽ 2 con số giai đoạn 2026-2030.
Thủ tướng cũng chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia sẽ được đẩy mạnh ngay từ đầu năm. Thu ngân sách dự kiến cao hơn khoảng 10% so với năm 2024 và tiết kiệm triệt để chi thường xuyên.
Riêng nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 sẽ được bố trí ưu tiên cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và một số dự án khác có nhu cầu trong năm tới.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ thị trường tài chính, thị trường vốn để huy động nguồn lực cho nền kinh tế, trong đó phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý cho thị trường bất động sản.
Theo số liệu của Trung tâm Dự báo và Phân tích Kinh tế Độc lập (CEBR), GDP Việt Nam năm 2024 đã vượt mốc 450 tỷ USD, qua đó tăng 1 bậc so với năm 2023 lên vị trí thứ 34 trên Bảng xếp hạng liên minh kinh tế thế giới (World Economic League Table - WELT).
CEBR dự báo quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Singapore vào năm 2029 với GDP dự tính đạt 676 tỷ USD, so với mức 656 tỷ USD của đảo quốc này.
CEBR cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 5,8% cho giai đoạn 2025-2029. Từ năm 2030 đến 2039, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình sẽ giảm nhẹ nhưng vẫn giữ ở mức 5,6%/năm.
Đến năm 2039, quy mô GDP của Việt Nam dự báo đạt 1.410 tỷ USD, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 25 toàn cầu. Khi đó, tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam sẽ chỉ đứng sau Indonesia (thứ 10) và Philippines (thứ 22), bỏ xa các quốc gia như Thái Lan (thứ 31), Malaysia (thứ 34) và Singapore (thứ 35).