Investing.com -- Các công ty Mỹ tăng nhập khẩu hàng Trung Quốc để tránh chịu thuế cao hơn trước khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống mỹ vào ngày 20/1.
Khi ông Donald Trump bắt đầu nói về thuế nhập khẩu mới trong chiến dịch tranh cử vừa qua, Danny Reynolds, Chủ cửa hàng váy cưới Stephenson's of Elkhart ở Indiana, lập tức kiểm tra nguồn gốc trang phục của mình và tăng tốc nhập khẩu.
"Tôi xem xuất xứ trên mác và đó hoàn toàn là Trung Quốc", Reynolds nói. Sau đó, trong vòng 2 tháng, anh nhập liên tục 20 chiếc váy cưới để tránh chi phí cao hơn nếu các lời đe dọa thuế quan của ông Trump thành hiện thực.
Hôm 25/11, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu bổ sung 10% với hàng Trung Quốc. Ít ngày sau, hôm 30/11, ông dọa áp thuế nhập khẩu 100% với hàng từ 9 nước thuộc nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran và UAE) nếu họ đe dọa vị thế USD.
Nguy cơ ông Trump tăng thuế hàng nhập khẩu sau ngày nhậm chức vào 20/1, kết hợp với các yếu tố như chi tiêu mạnh của người tiêu dùng, rủi ro đình công, đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp Mỹ tranh thủ tích trữ hàng Trung Quốc.
Số liệu của cơ quan hải quan Trung Quốc cho hay xuất khẩu của nước này sang Mỹ tăng 8% trong tháng 11 so với cùng kỳ 2023, trong khi nhập khẩu giảm hơn 11%. Zichun Huang, nhà kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho rằng trong ngắn hạn, các mối đe dọa về thuế quan "có thể thúc đẩy xuất khẩu khi các công ty Mỹ tăng cường đặt hàng" đối với hàng "made in China".
Nhà cung cấp phần mềm theo dõi container Vizion cho biết hãng bán lẻ Walmart - công ty sử dụng dịch vụ vận chuyển container lớn nhất - đã tăng lượng đặt hàng liên tục mỗi tuần bắt đầu từ tuần thứ ba của tháng 9. Công ty quần áo, phụ kiện Columbia Sportswear cũng liên tục tăng đặt hàng mỗi tuần kể từ cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5/11.
"Vào tháng 11, các nhà sản xuất Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, đã tăng lượng hàng dự trữ an toàn để giúp ngăn chặn bất kỳ đợt tăng thuế quan nào ngay lập tức", John Piatek, Phó chủ tịch nhà cung cấp phần mềm chuỗi cung ứng và mua sắm GEP, cho biết.
Theo nhà cung cấp dữ liệu thương mại Descartes Systems Group, lượng hàng hóa nhập khẩu đường biển vào Mỹ tháng 11 đã tăng 12,8% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, sản phẩm từ Trung Quốc đã tăng 13,3%. Cảng Los Angeles - cảng sầm uất nhất nước Mỹ - đang trên đà đạt được tháng 12 bận rộn nhất trong lịch sử, theo CEO Gene Seroka.
Nhà phân tích Fadi Chamoun của BMO Capital Markets dự báo mức nhập khẩu tăng cao có thể kéo dài đến quý I/2025, khi doanh nghiệp tìm cách tránh thuế quan mới thời Trump. Các nhà nhập khẩu không tiết lộ họ sẽ tích trữ trước thêm bao nhiêu hàng hóa, do còn nhiều yếu tố khác nhau thúc đẩy điều này.
Mức thuế quan mà ông Trump đưa ra trong nhiệm kỳ đầu là một kinh nghiệm tham khảo. Seroka cho rằng những nhà nhập khẩu có thể phải phanh gấp trong những tháng tới. "Chúng tôi từng chứng kiến hàng hóa gia tăng trước mốc thuế quan hoặc ngày áp dụng, sau đó sụt giảm lớn", ông kể.
Danny Reynolds của Stephenson's of Elkhart cho biết mọi người đều không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra. Hy vọng lớn nhất của ông rằng áp thuế chỉ là chiến thuật hù dọa của Tổng thống đắc cử.
Những yếu tố khó lường cũng khiến một số doanh nghiệp ngần ngại tích trữ hàng hóa. Jay Foreman, CEO hãng đồ chơi Basic Fun tại Boca Raton (Florida), tỏ ra cẩn trọng. "Bạn có thể gặp rắc rối khi đưa nhầm sản phẩm vào quá sớm. Điều này sẽ tiêu tốn dòng tiền và lấp đầy kho hàng", ông chỉ ra.
Số khác khởi động thiết kế lại sản phẩm để né thuế. Thương hiệu đồ trẻ em Kids2 có trụ sở tại Atlanta đã biến tấu chiếc ghế trẻ sơ sinh thành ghế bập bênh bằng cách thêm một bộ phận chuyển động. Bằng cách này, mức thuế quan 25% biến mất, do ghế trẻ em từ Trung Quốc phải chịu thuế trong khi ghế bập bênh thì không.
Ba tháng qua, các kỹ sư Kids2 t được giao nhiệm vụ toàn thời gian về làm lại sản phẩm, thông qua phối hợp với chuyên gia thiết kế và vận chuyển. Công ty ước tính sẽ mất khoảng 6 tháng nữa để xem xét tất cả mẫu sản phẩm để điều chỉnh. Họ thừa nhận sẽ có vài loại không cách nào né thuế. "Một số thứ như bồn tắm và bô cho trẻ em vẫn như vậy. Không có vùng xám hay giải pháp thiết kế nào khác", COO John Sikes nói.
Do đó, công ty chuẩn bị thêm phương án sẵn sàng chuyển nhiều đơn hàng hơn ra khỏi Trung Quốc nếu cần thiết. Công ty đã xây dựng được khả năng sản xuất khoảng 10% hàng hóa của mình tại Việt Nam và đang xem xét thêm Ấn Độ cùng một số nước có chi phí gia công thấp khác.
Đầu tháng này, Giám đốc tài chính tập đoàn đồ chơi Mattel Anthony DiSilvestro nói với các nhà đầu tư rằng sẽ nhập khẩu dưới 40% hàng hóa từ Trung Quốc vào năm tới, so với mức trung bình hơn 80% của ngành.
Ông Anthony DiSilvestro cho hay đội ngũ chuyên trách đang phân tích và lập kế hoạch cho các kịch bản thuế quan khác. "Và rõ ràng, hành động của chúng tôi sẽ phụ thuộc vào những gì thực sự xảy ra, điều này dường như thay đổi từng ngày, từng tuần", ông nêu.