Investing.com – Theo báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý II/2024 của 45 doanh nghiệp - ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán, SSI (HM:SSI) Research đã đưa ra dự báo cho 13 ngân hàng, bao gồm: Vietcombank, BIDV, MB, VietinBank, Techcombank, ACB, VPBank, HDBank, Sacombank, TPBank, VIB, MSB và OCB. Có 11 ngân hàng được kỳ vọng có lợi nhuận tăng trưởng, hai nhà băng đi lùi. Trong đó, mức tăng cao nhất thuộc về VPBank, đạt 60%, theo VietnamBiz.
⚡️ Giữ cập nhật về tin tức mới nhất của các công ty với InvestingPro! Tận hưởng ưu đãi giữa năm của chúng tôi và nhận được mức giảm giá hơn 50% khi nhấp vào link dưới đây! ⚡️
Theo dự báo từ SSI Research, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HM:VPB) sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ về lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ, mang về 4.200 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 60%. Cả năm, tăng trưởng lợi nhuận ròng ước đạt 78%. Cần lưu ý rằng lợi nhuận năm 2023 của VPBank thấp hơn đáng kể so với 2022. SSI Research cho rằng FE Credit có thể sẽ đạt điểm hòa vốn trong quý này sau nhiều quý thua lỗ. Quý I vừa qua, FE Credit đã lỗ gần 853 tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HM:VCB) (Vietcombank) dự báo sẽ đạt 4% vào cuối tháng 6, trong khi đó tăng trưởng huy động giảm giúp NIM ổn định trong quý II. Kết hợp với chất lượng tài sản được kiểm soát ổn định, lợi nhuận trước thuế quý II của Vietcombank được kỳ vọng đạt 10.000 đến 10.300 tỷ đồng, tăng 8 đến 10% so với cùng kỳ. Xét cả năm, lợi nhuận Vietcombank được dự báo tăng 16%, cao hơn đáng kể so với năm trước.
Trong khi đó, kỳ vọng tín dụng của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (HM:TCB) (Techcombank) sẽ duy trì đà tăng tốt trong quý II, đạt 10 - 11% so với đầu năm. Trước đó vào quý I/2024. Tăng trưởng tín dụng của Techcombank ở mức 7%. Ngoài ra, NIM và tỷ lệ nợ xấu được kỳ vọng sẽ tương đối ổn định so với quý trước. Về lợi nhuận, thu nhập ngoài lại dự báo sẽ duy trì ổn định trong bối cảnh hoạt động bảo lãnh và phát hành trái phiếu, lợi nhuận bất thường từ kinh doanh trái phiếu Chính phủ có thể không lớn như trong quý I. Do vậy, lợi nhuận trước thuế của Techcombank kỳ vọng sẽ đạt 7.000 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ nhưng giảm 5% nếu so với quý liền trước. Xét cả năm, lợi nhuận ròng của ngân hàng có thể đi lên 25%.
Về ước tính lợi nhuận trước thuế quý II của Ngân hàng TMCP Á Châu (HM:ACB) đạt 5.000 - 5.200 tỷ đồng, tăng 3,5% đến 7,6% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng ổn định, đạt ít nhất 9% so với đầu năm. Tăng trưởng lợi nhuận ròng cả năm ước đạt 10%. Tuy nhiên, các chuyên viên phân tích cũng dự báo NIM của ACB có thể giảm nhẹ so với quý trước do ngân hàng hạ lãi suất nhằm kích cầu tín dụng, trong khi tỷ lệ nợ xấu có thể nhích nhẹ.
SSI Research thông tin rằng Ngân hàng TMCP Quân đội (HM:MBB) đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ nửa đầu năm 2024 với tăng trưởng tín dụng đạt 5,5%, trong khi tăng trưởng huy động chỉ là 2%. Ngân hàng cũng đã giải quyết xong trường hợp nhóm nợ do liên đới từ CIC trong quý I/2024, giúp cả NIM và tỷ lệ nợ xấu được cải thiện trong quý này. Từ đó, dự báo lợi nhuận trước thuế của MB dự kiến đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng cùng. Cả năm, lợi nhuận ròng có thể tăng trưởng 11%.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HM:BID) được dự báo lợi nhuận trước thuế đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng cả năm ước tăng 15%. Do tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 6% so với đầu năm nay (hay 15% so với cùng kỳ), trong khi tăng trưởng tiền gửi chậm hơn, chỉ tiến thêm 4 - 5% so với đầu năm, nên kỳ vọng NIM của BIDV sẽ phục hồi khá tốt so với quý trước. Tuy nhiên, chất lượng tài sản của ngân hàng vẫn có thể chịu áp lực do liên đới từ NIM.
SSI Research đánh giá Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (HM:CTG) (VietinBank) duy trì quỹ đạo tăng trưởng tín dụng ổn định trong nửa đầu năm 2024, dự kiến đạt khoảng 5 đến 6% so với đầu năm, giúp NIM duy trì tương đối ổn định. Các chuyên viên phân tích cũng cho rằng ngân hàng có thể tiếp tục xử lý nợ xấu mạnh mẽ trong quý II, giúp lợi nhuận trước thuế tăng 15%, đạt 7.500 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng cả năm có thể tăng 17%.
Với Ngân hàng TMCP Phát triển T.P Hồ Chí Minh (HM:HDB) (HDBank), các chuyên viên phân tích cho rằng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng có thể đạt 3.500 đến 3.600 tỷ đồng, tăng từ 28% đến 31% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng tới 10%. Xét cả năm, lợi nhuận ròng dự báo tăng 23%. Tuy nhiên, các chuyên viên dự báo NIM của ngân hàng có thể giảm trong quý II nếu so với quý liền trước.
Còn với Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HM:MSB), SSI Research cho rằng thu từ nợ xấu đã xóa sẽ là nguồn thu nhập quan trong của ngân hàng trong quý II/2024. Tổng số tiền dự kiến ít nhất là 800 tỷ đồng. Đến cuối quý II, tăng trưởng tín dụng dự báo đạt 10% so với đầu năm, nhưng NIM lại được kỳ vọng sẽ giảm nhẹ so với quý I/2024. Lợi nhuận trước thuế của MSB có thể đạt từ 2.100 tỷ đồng đến 2.200 tỷ đồng, tăng 3,9% đến 8,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng cả năm dự báo tăng 12%.
Phân tích về Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HM:STB) (Sacombank), các chuyên viên cho biết NIM có thể đi ngang so với quý trước trong bối cảnh tín dụng phục hồi. Tuy nhiên, gánh nặng chi phí dự phòng có thể tăng lên trong quý II/2024.Do vậy, lợi nhuận quý II/2024 của ngân hàng kỳ vọng đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Các chuyên viên phân tích cho rằng lợi nhuận ròng cả năm của Sacombank có thể đi lên 11%.
Với Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HM:TPB) (TPBank), mặc dù tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với quý II/2023 và NIM dự kiến sẽ giảm nhẹ nhưng ngân hàng được kỳ vọng sẽ báo lãi 1.800 đến 1.900 tỷ đồng, tăng 11,2% đến 17,4% nhờ chi phí hoạt động thấp hơn. Các chuyên viên cũng dự báo lợi nhuận cả năm của TPBank tăng 26%.
Hai ngân hàng tăng trưởng âm
Trong báo cáo SSI Research cũng đưa ra dự báo về chiều ngược lại, có hai ngân hàng bị đánh giá sẽ có lợi nhuận giảm trong quý II/2024.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Phương Đông OCB (HM:OCB) được dự báo sẽ duy trì tỷ lệ NIM và nợ xấu ở mức ổn định, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 7 - 8%. Mặc dù vậy, chi phí dự phòng được kỳ vọng sẽ tăng lên đáng kể trong quý vừa qua, khiến lợi nhuận trước thuế giảm từ 14,4% đến 5%, xuống 1.350 tỷ đồng đến 1.500 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận ròng cả năm vẫn kỳ vọng sẽ tăng 21%.
Còn với Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HM:VIB) việc giảm lãi suất để kích cầu tín dụng là nguyên nhân khiến lợi nhuận suy yếu. Theo ước tính, ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng khoảng 3% so với đầu năm. Tuy nhiên NIM sẽ giảm trong quý II, còn chi phí tín dụng lại tăng thêm. Do đó, các chuyên viên phân tích cho rằng lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 2.100 tỷ đồng đến 2.000 tỷ đồng, tương ứng giảm từ 28% đến 25%. Cả năm, lợi nhuận ròng của VIB ước tăng 3%. Theo SSI Research, phải đến 2025 thì tăng trưởng lợi nhuận của VIB mới có sự bứt tốc, ước tính đạt 22%.