tradingkey.logo

Đài Loan khởi xướng điều tra chống bán phá giá 7 doanh nghiệp xi măng của Việt Nam

Investing.com15 Th08 2024 03:53

Investing.com – Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Đài Loan (Trung Quốc) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với xi măng và clinker có xuất xứ/nhập khẩu từ Việt Nam, theo The Leader.

Theo đó, nguyên đơn yêu cầu khởi xướng điều tra bán phá giá áp dụng thời kỳ từ 1/7/2023 đến 30/6/2024, biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam là 16,99%.

Đáng chú ý, theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), nguyên đơn cũng nêu tên 7 doanh nghiệp xuất khẩu bị cáo buộc bán phá giá, nhưng danh tính cụ thể các công ty này không được cơ quan chức năng đề cập.

Tuy nhiên, theo thông tin đăng tải công khai của Cục Hải quan Đài Loan (Trung Quốc), 7 doanh nghiệp xi măng của Việt Nam được nhắc tên trong vụ việc này đều là những tên tuổi lớn trong ngành như: Công ty CP Xi măng Thăng Long, Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam – VICEM, Công ty CP Vissai Ninh Bình, Công ty CP Xi măng Hướng Dương – Pomihoa, Xi măng Long Sơn, Công ty CP thương mại và đầu tư Đại Việt và Thành Thắng group.

Về quy trình thủ tục, cơ quan điều tra Đài Loan (Trung Quốc) bao gồm cơ quan quản lý tài chính (MOF) có thẩm quyền điều tra hành vi bán phá giá và cơ quan quản lý kinh tế (MOEA) điều tra thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

MOF sẽ chọn mẫu điều tra để tính toán biên độ bán phá giá. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam được chọn mẫu được coi là bị đơn bắt buộc và phải tham gia vụ việc, trả lời bản câu hỏi điều tra và cung cấp các thông tin theo yêu cầu của MOF. Các doanh nghiệp này được tính thuế riêng tùy thuộc vào thông tin, dữ liệu cung cấp.

Trong vòng 20 ngày kể từ ngày ban hành thông báo khởi xướng, tất cả 7 doanh nghiệp được nêu tên và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu khác chưa được nêu tên đều phải gửi xác nhận tham gia để phục vụ việc chọn mẫu.

Các doanh nghiệp liên quan nhưng không nộp xác nhận tham gia sẽ bị tính biên độ bán phá giá dựa trên thông tin của bên yêu cầu hoặc các thông tin sẵn có khác.

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương khuyến nghị Hiệp hội Xi măng Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan nghiên cứu kỹ hồ sơ yêu cầu, thông báo khởi xướng và các hướng dẫn, quy định liên quan; gửi mẫu xác nhận theo đúng nội dung và thời hạn quy định.

Đồng thời, hợp tác đầy đủ, toàn diện để trả lời (các) Bản câu hỏi điều tra, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, thường xuyên cung cấp thông tin, trao đổi tình hình với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Khó khăn bủa vây

Như vậy với quyết định điều tra này có thể thấy khó khăn đang ngày càng chất chồng với ngành xi măng giữa thảm cảnh thừa công suất, thiếu đầu ra, chi phí sản xuất tăng cao.

Đáng chú ý, xuất khẩu xi măng cũng khá ảm đạm khi hai năm nay lượng clinker xuất khẩu sụt giảm lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh doanh với doanh nghiệp sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh lý giải nguyên nhân phần nhiều là do thuế xuất khẩu clinker của Việt Nam tăng gấp đôi (từ 5% lên 10%) từ 1/1/2023 làm cho giá clinker kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế so với các nước cùng xuất khẩu như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản (các nước này không đánh thuế xuất khẩu vì đây là sản phẩm đã qua chế biến sâu).

Đáng nói, một trong các thị trường xuất khẩu clinker truyền thống là Philippines đã áp thuế chống bán phá giá với clinker và xi măng nhập từ Việt Nam (áp dụng 5 năm từ tháng 3/2023), càng làm khó khăn cho xuất khẩu.

Năm 2023, 42 dây chuyền đã phải dừng sản xuất từ 1-6 tháng (như các nhà máy xi măng Hoàng Thạch, Phúc Sơn, Cẩm Phả, Thăng Long, Hệ Dưỡng), thậm chí cả năm như Thành Thắng, Vissai Hà Nam, Công Thanh, Long Sơn.

Năm nay, dự kiến đến hết tháng 6, tổng lượng sản xuất clinker và xi măng toàn quốc đạt 44 triệu tấn, các nhà máy dự kiến chỉ đạt 70-75% công suất. Tồn kho lũy kế khoảng 5 triệu tấn.

Cuối tháng 7 vừa qua, trong những kiến nghị giải pháp giải cứu, thúc đẩy sản xuất tiêu thụ xi măng, ghi nhận nội dung đề nghị đưa thuế suất thuế xuất khẩu clinker xi măng về 0% của Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM).

Bên cạnh đó, Việt Nam đang là thành viên của WTO và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), theo đó tất cả các nước là thành viên thuộc hai tổ chức này đều không đánh thuế xuất khẩu cliker.

VABM cho rằng, chỉ riêng Việt Nam đang đánh thuế xuất khẩu 10% đối với clinker xi măng là chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng: “Trường hợp hàng hóa xuất khẩu sang nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi về thuế xuất khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam thì thực hiện theo thỏa thuận này”.

Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Nội dung của bài viết này chỉ đại diện cho quan điểm cá nhân của tác giả và không phản ánh lập trường chính thức của Tradingkey. Không nên coi đây là lời khuyên đầu tư. Bài viết này chỉ nhằm mục đích tham khảo, và độc giả không nên đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư nào chỉ dựa trên nội dung của nó. Tradingkey không chịu trách nhiệm về bất kỳ kết quả giao dịch nào do tin tưởng vào bài viết này. Hơn nữa, Tradingkey không thể đảm bảo tính chính xác của nội dung bài viết. Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư nào, nên tham khảo ý kiến của một cố vấn tài chính độc lập để hiểu rõ các rủi ro liên quan.

Bài viết đề xuất